Quan điểm về giáo dục của Phật giáo [Phật giáo và Giáo dục]


Đức Phật là nhà tư tưởng, nhà cách mạng xã hội, đồng thời Ngài cũng là nhà sư phạm vĩ đại. Trong 49 năm trụ thế, bằng “thân giáo” (việc làm), “khẩu giáo” (thuyết giảng) và “ý giáo” (tư tưởng) của mình không ngoài mục đích chỉ ra con đường, biện pháp để chúng sinh đạt được mục tiêu tối hậu là GIÁC NGỘ - GIẢI THOÁT.



Giáo dục nói chung là môt loại hình sản xuất đặc biệt trong các loại hình sản xuất xã hội, bởi vì, “nguyên liệu” đầu vào của nó là con người, qui trình sản xuất của nó kéo dài trong cả một đời người, công nghệ sản xuất rất đặc biệt (tính ổn định rất tương đối, môi trường sản xuất đa dạng, công cụ sản xuất là con người/thầy giáo … ), và sản phẩm làm ra c ũng chính là con người. Có thể nói, giáo dục đã tạo ra, và gương mặt của nó cũng là biểu hiện rõ nét nhất, nền văn hoá văn minh của mỗi quốc gia, xứ sở.

Trải qua trên 2500 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo đã góp phần tạo nên diện mạo đa dạng của văn hoá văn minh thế giới, và, văn hoá - văn minh Phật giáo xứng đáng được coi là nền tảng vững chắc và định hướng cho tương lại của văn hoá - văn minh nhân loại. Nhân dịp Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học về Giáo dục Phật giáo Việt Nam vào hạ tuần tháng 11 năm 2011, từ góc nhìn về Giáo dục và Giáo dục học, chúng tôi bàn về một số quan điểm về giáo dục của Phật giáo, mong nhận được sự trao đổi, chia sẻ trên diễn đàn của Tạp chí.

1. Về mục tiêu giáo dục

Đức Phật là nhà tư tưởng,  nhà cách mạng xã hội, đồng thời Ngài cũng là nhà sư phạm vĩ đại. Trong 49 năm trụ thế, bằng “thân giáo” (việc làm), “khẩu giáo” (thuyết giảng) và “ý giáo” (tư tưởng) của mình không ngoài mục đích chỉ ra con đường, biện pháp để chúng sinh đạt được mục tiêu tối hậu là GIÁC NGỘ - GIẢI THOÁT.

Để đạt được mục tiêu tối hậu đó, từ thấp đến cao, giáo dục Phật giáo chia làm ba tầng: Giáo dục làm Người, giáo dục làm Tăng, giáo dục làm Phật. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới mục tiêu giáo dục Phật giáo ở tầng thứ nhất, tức là giáo dục để làm Người. Tuy nhiên, cũng theo quan điểm Phật giáo, quá trình rèn luyện tu dưỡng “con người” trở thành “NGƯỜI viết hoa” đúng nghĩa của nó thì cũng tức là đã thành  Phật, như ngài Thái Hư (1889 - 1947) đã nói: “Nhân thành tức Phật thành”.

Như vậy, dù ở cấp học nào, yêu cầu đối với sản phẩm của giáo dục Phật giáo phải là con người có sự phát triển toàn diện, tức là phải hiểu biết bên trong chính nó và hiểu biết bên ngoài về đời sống xã hội, về những tri thức khoa học. Nếu như giáo dục Thế học thiên về mục tiêu đào tạo ra những con người có năng lực nắm bắt được qui luật của xã hội, khám phá, khai thác tự nhiên nhằm thoả mãn nhu cầu của cá nhân và cao cả hơn là phục vụ cộng đồng, nhân l oại … thì giáo dục Phật giáo đặt vấn đề chủ yếu và trước hết nơi chính nội tâm cá nhân con người. Muốn trở thành một con người xã hội tốt trước hết phải là một con người cá nhân tốt. Mục tiêu của giáo dục Phật giáo là có được những con người: tự biết về chính mình, dám chịu trách nhiệm cá nhân, tự tin nỗ lực, biết tự kiềm chế và dám chấp nhận. Tuỳ cấp độ nông sâu cao thấp khác nhau nhưng đó là những phẩm chất mà con người luôn luôn phải có, phải tự thức tỉnh, để tự giúp mình (tự độ) rồi giúp người (độ tha), trên con đường tới GIÁC NGỘ - GIẢI THOÁT - THÀNH PHẬT.

2. Đối tượng của giáo dục

Cũng như Thế học, Phật giáo lấy con người làm trung tâm của giáo dục, bởi vì, chỉ có con người mới có văn hoá, tức là có nhu cầu và khả năng giáo dục - tiếp thu giáo dục. Giáo dục Phật giáo nhằm khơi dậy, định hướng và khích lệ mỗi cá nhân phát triển trên ba phương diện: trí tuệ, tình thức, và thể chất. Giáo dục Phật giáo đặc biệt chú ý tới trí tuệ (Wisdom) chứ không phải chỉ dừng ở kiến thức (Knowledge) và tình thức (tức là cái năng lực xúc cảm, tâm linh) của mỗi cá nhân.

Quá trình giáo dục chính là đối tượng nghiên cứu của Giáo dục học Phật giáo. Đó là quá trình tương tác giữa chủ thể giáo dục (thầy) và đối tượng giáo dục (trò), là hai mặt của một vấn đề (giáo dục) không thể tách rời. Do vậy, giáo dục Phật giáo cũng đặc biệt coi trọng vai trò của người thầy trong quá trình giáo dục. Trong Qui môn cảnh sách có nói: “Khởi bất kiến ỷ tùng chi cát, thượng tủng thiên tầm. Phụ thác thắng nhân, phương năng quảng ích” (Há chẳng thấy dây sắn kia, vì nhờ vào cây tùng mà leo lên cao được nghìn thước. Cũng vậy, phải dựa vào sự chỉ bảo hướng dẫn của người hơn mình mới có được lợi ích lớn).

3. Quan điểm giáo dục

Trước hết là quan điểm của Phật giáo về phương pháp giáo dục. Hiểu một cách giản đơn, phương pháp giáo dục cách thức, thao tác, qui trình mà chủ thể giáo dục tác động vào đối tượng giáo dục nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của mục tiêu đã đặt ra.

Như trên đã nói, giáo dục là công nghệ sản xuất đặc biệt, bởi từ “nguyên liệu” đầu vào, “công cụ” chủ yếu trong quá trình sản xuất cho tới “sản phẩm” làm ra đều là con người. Do vậy, vấn đề quan trọng ở đây là việc đánh giá về bản chất của con người từ góc độ giáo dục. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên những đánh giá của các trường phái tư tưởng lớn ở Phương Đông về bản chất con người, trong so sánh với Phật giáo, để từ đó có cái nhìn (quan điểm) riêng về giáo dục và phương pháp giáo dục Phật giáo.

- Nho gia cho rằng “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn” (Con người khi mới sinh ra vốn là thiện. Cái bản tính ban đầu ấy mọi người đều giống nhau, nhưng do tập quán, môi trường khiến cho có sự khác nhau/ có người thiện, có người bất thiện). Do vậy, họ chủ trương giáo dục là tìm về, khơi dậy, và bồi dưỡng cái bản chất “thiện” vốn có ban đầu ấy (Học đạo vô tha, cầu kì phóng tâm nhi dĩ hĩ! - Việc học không gì khác ngoài việc đi tìm cái bản tâm thiện đã mất!).

- Pháp gia lại khẳng định từ khi mới sinh ra, bản chất con người là ác (Nhân chi sư tính bản ác), là tham lam vụ lợi. Do vậy, phải dùng chế tài của pháp luật để giáo dục, ngăn ngừa điều ác, tính quấy của con người.

- Đạo gia thì cho rằng bản chất của con người là hồn nhiên vô tư như tờ giấy trắng (Xích tử chi tâm), nhưng do học tập, sách vở … khiến cho bị điên đảo, sinh ra tranh cãi thị - phi không dứt (Phật giáo gọi là “Sở tri chướng” - cái chướng ngại do sự “hiểu biết” một cách không đúng đắn do kiến thức đưa lại). Do vậy, cách “giáo dục” tốt nhất là “vứt bỏ giáo dục”, để con người trở lại cái hồn nhiên chất phác ban đầu.

- Với thuyết Nhân duyên - nghiệp báo luận, Phật giáo cho rằng bản chất con người không phải là thiện hay bất thiện hoặc hồn nhiên bất định mà , xét về mặt tinh thần, nó là sản phẩm (quả) của nghiệp nhân từ đời trước. Cái mà Nho gia gọi là “tính” thì Phật gia gọi là “chủng tử”/hạt giống, là “nghiệp bản hữu” ... Điều khác nhau căn bản là: cái “tính” của Nho gia là do trời sinh ra (thiên sinh chi vị tính), vốn là thiện; còn “chủng tử”, “nghiệp” theo Phật giáo lại là do chính mình tạo ra, trong đó có cả thiện và bất thiện. Do vậy, bản chất của giáo dục Phật giáo là tìm con đường, biện pháp nhằm đưa lại cho con người niềm tin, trí tuệ để nhận chân chính mình, để hạn chế đi đến diệt trừ cái nhân bất thiện, bồi dưỡng tăng trưởng nhân thiện vốn có và tạo nhiều nhân thiện trong đời sống hiện tại (nghiệp/chủng tử tân huân), tức là tạo nên một “nhân”/”nghiệp” tốt cho “quả” ở thời vị lai trên con đường GIÁC NGỘ - GIẢI THOÁT.

Từ những nhận định về bản chất con người như vậy, Giáo dục Phât giáo đã đưa ra một hệ thống những quan điểm về phương pháp giáo dục, thích ứng với đối tượng, nhằm đạt tới mục tiêu đã đặt ra.

Thứ nhất, quan điểm  giáo dục trên tinh thần “khế cơ”.

Dù ở cùng một cấp giáo dục thì đối tượng giáo dục cũng có rất nhiều sự khác nhau: có trình độ, phẩm hạnh, điều kiện hoàn cảnh, sở thích, chí hướng … khác nhau. Do vậy suy đến cùng, giáo dục là giáo dục cá nhân chứ không phải là giáo dục tập thể (mặc dù mục đích là để mọi mgười cùng đạt đến một mục tiêu). Phải tuỳ theo đối tượng cụ thể mà có phương pháp cụ thể. Xét từ góc độ giáo dục, thuật ngữ Phật giáo nói đến tám vạn bốn nghìn pháp môn (phương pháp, cách thức) phù hợp với 84.000 căn cơ nghiệp lực, hoàn cảnh của đối tượng, để lựa chọn pháp môn thích hợp trong giáo dục. Phương pháp giáo dục hiện đại của Thế học ngày nay cũng đề cập đến yêu cầu phân loại học sinh trong quá trình giáo dục và định hướng nghề nghiệp nhưng dường như nó chưa trở thành yêu cầu tự thân có tính thiết thực của người dạy, người học và dư luận xã hội. Hiện tượng học thêm phụ đạo tràn lan, “ngồi/học, đứng/dạy nhầm lớp” không phải là cá biệt, xu hướng chọn trường chọn nghề theo dư luận cảm tính có tính chất bầy đàn … đã tạo ra biết bao hậu quả bi hài của nền giáo dục nước nhà trong những năm gần đây là minh chứng rõ ràng của việc không chú ý đúng mức đến nguyên tắc “khế cơ” trong giáo dục.

Thứ hại, quan điểm giáo dục thức tỉnh tự thân qua lí luận và thực tiễn

Cốt lõi của mục tiêu giáo dục Phật giáo là khơi dậy, trưởng dưỡng trí tuệ tự thân của mỗi cá nhân, có năng lực tự tin và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước bản thân và cộng đồng xã hội chứ không phải chỉ nhằm cung cấp kiến thức cho người học. Không cực đoan như Đạo gia chủ trương “vứt bỏ sách vở”, một mặt Phật giáo đề cao vai trò của người thầy của kinh điển sách vở đối với người học (ỷ tùng chi cát) nhưng mặt khác cũng nghiêm túc chỉ ra cái chướng ngại không nhỏ do kiến thức đưa lại (sở tri chướng) trên con đường giác ngộ. Quá trình giáo dục là sự thống nhất đồng thời của 3 thao tác: Văn - Tư - Tu (Văn là kiến thức được lĩnh hội, đưa từ bên ngoài vào; Tư là tự thân nhận thức; Tu là thực hành trải nghiệm, chuyển hoá kiến thức thành trí tuệ tự thân), chỉ có thứ trí tuệ đó mới đem lại cho con người nămg lực sáng tạo trong thực tiễn. Quan điểm biện chứng này phê phán triệt để thái độ chấp thủ, bảo thủ máy móc trong giáo dục. Trong kinh A-hàm Đức Phật đưa ra tỉ dụ cái bè, thể hiện rõ quan điểm giáo dục Phật giáo, phê phán chấp thủ, đề cao tinh thần “khế cơ” sáng tạo trong hoạt đọng thực tiễn: “Giáo lí như phiệt dụ giả. Chính pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Giáo lí của ta ví như chiếc bè để đưa qua sông. Khi qua rồi phải bỏ bè lại chứ không phải khư khư ôm giữ đợi đến dịp dùng).

Thứ ba, quan điểm giáo tự chủ, độc lập

Phật giáo cho rằng, bằng trí tuệ và nỗ lực của riêng mình, con người có thể tự tin và tự giác ngộ giải thoát ngay chính trong cuộc đời này. Kết quả của giáo dục là phải xây dựng cho con người niềm tin và năng lực trí tuệ để đập vỡ mọi ách trói buộc nô lệ từ bên trong và bên ngoài, tạo nên tâm thế: “Vô tham” (biết và có khả năng tự kiềm chế dục vọng do lòng tham thôi thúc, là cội nguồn của tham nhũng và tệ nạn xã hội), “Vô sân” (tự dập tắt tâm thế nổi loạn, tranh giànhlộc vị của người khác một cách bất chinh), “Vô si” (mở rộng con đường vào trí tuệ, sáng tạo nên những giá trị văn hoá văn minh tốt đẹp cho mình và cho nhân loại).

Thứ tư, về môi trường giáo dục

Con người là tổng hoà những mối quan hệ xã hội, do vậy, môi trường giáo dục không chỉ là nhà trường, trong các buổi lên lớp mà còn phải quan tâm đến toàn diện môi trường sống của con người. Gần đây giáo dục Thế học hiện đại đã quan tâm tới mối quan hệ nhà trường - gia đình – và xã hội trong quá trình giáo dục nhưng từ ngàn xưa các bậc cổ đức đã nêu lên quan điểm giáo dục rất sâu sắc mà giản dị:

Thứ nhất là tu tại gia

Thứ nhì tu chợ, Thứ ba tu chùa

Một câu nói hình ảnh, có tính ước lệ, không phải theo thứ tự nhất, nhì, ba,  hay nhà, chợ, chùa, mà muốn nói lên tính tổng hợp hỗ tương trong quá trình giáo dục nhằm tạo ra sản phẩm là con người theo mục tiêu đã đề ra.

Phật giáo là một hệ thống tôn giáo - đạo dức - văn hoá - lối sống ra đời trước hết do con người và vì con người. Từ góc độ tiếp cận của giáo dục và giáo dục học, trải qua hơn 2500 năm nhìn lại, thiết nghĩ, những quan điểm về giáo dục của Phật giáo cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nghiên cứu và vận dụng những quan điểm giáo dục Phật giáo là việc làm cần thiết và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Nguyên tắc dạy học [Nội dung, phương pháp, mối quan hệ giữa các nguyên tắc]

Nguyên tắc dạy học [Nội dung, phương pháp, mối quan hệ giữa các nguyên tắc] * TỰ HỌC CNTT * SÁCH HAY Hành Trình Về Phương Đông ...