“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng câyVì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(Trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi thăm và nói chuyện tại Đại hội lần thứ 3 của Đoàn thanh niên lao động Việt Nam 24/3/1961.
Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào người thầy giáo cũng được kính trọng, luôn được tôn quý, vị nể. Lúc sinh thời Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói : “ Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”
Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, thời kỳ hội nhập, đời sống về vật chất cũng như tinh thần đều được cải thiện và nâng lên một bước đáng kể. Kéo theo nó là sự thay đổi về nhận thức, cách nhìn nhận của cả những người trong nghề giáo lẫn người ngoài ngành về nghề này.
Vậy ý kiến của các đối tượng này như thế nào ?
Thầy giáo Lê Ngọc Điều đã có thâm niên trong nghề trên ba mươi năm, đến nay thầy giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn không quên những ngày còn đứng trên bục giảng.
Thầy Điều tâm sự : “Từ ngày tôi vinh dự được làm việc trong ngành giáo dục, và trực tiếp đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức cho những học trò thân yêu, đến nay đã có hơn 30 năm làm thầy giáo. Muốn trở thành một nhà giáo chân chính, người thầy phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ của mình và phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức mới xứng đáng với vinh danh nhà giáo. Nhà giáo là một ngành cao quý trong những nghề cao quý. Từ xưa đến nay, bất kể là chế độ nào không thể không có nghề giáo, các cụ ta thường nói : “ Không thầy đố mày làm nên”
Thầy giáo vui vẻ đọc đoạn thơ :
“Thầy cô là những đoá hoa tươiDưới ánh nắng xuân đẹp tuyệt vờiVường hoa giáo dục rung rinh gióToả bao hương sắc đến muôn người”Thầy nói tiếp : “ Khi mình đã là người thầy thì hết lòng vì học trò thân yêu, thầy đem hết tâm trí để dậy dỗ học sinh, tìm phương pháp tốt nhất, hay nhất để truyền đạt những kiến thức khoa học cho học sinh, đồng thời cũng dậy cho học sinh cách làm người”.
Đa số những ai đã lựa chọn nghề giáo là nơi gắn bó sự nghiệp cả đời đều có những tâm huyết với nghề, với trò. Trong cuộc sống của mỗi người giáo viên đều có những khó khăn, đối với những thầy giáo thế hệ trước sinh ra, lớn lên, sự nghiệp đều ở trong những hoàn cảnh đầy rẫy những lo toan cuộc sống, những vẫn khắc phục vượt qua để vươn tới những cái đẹp, đem lại cái đẹp cho cuộc đời.
Ngày nay, đến thế hệ nhà giáo trẻ được đào tạo tốt hơn, trong môi trường hiện đại hơn, có những nhà giáo trẻ cũng mong muốn được cống hiến sức trẻ như cha ông đã làm, nhưng cũng có người dường như không chịu được áp lực công việc, khó khăn của cuộc sống, xen lẫn những bon chen của cơ chế thị trường.
Một thầy giáo trẻ mới ra trường viết thư trên báo lao động điện tử tâm sự, mà đó là những tâm sự thực lòng :
“Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm vào tháng 7/2007. Nhận nhiệm sở tại một trường THPT trên địa bàn tỉnh A vào tháng 9/2007, tôi háo hức muốn đem hết những gì mình đã học được ở giảng đường suốt 4 năm cống hiến cho xã hội. Thế nhưng, thực tế lại quá phũ phàng so với những gì chúng tôi nghĩ.
Điều đầu tiên tôi cảm thấy không công bằng đó là chúng tôi (những thầy cô giáo mới ra trường) chỉ lĩnh lương 85% so với mức lương chung của công nhân viên chức (?). Tôi không hiểu tại sao lại có sự bất công như thế? Chúng tôi cũng là những người được đào tạo chính quy, cũng soạn bài, giảng dạy như những giáo viên khác, cũng làm các công tác ngoài giờ, công tác chủ nhiệm, tham gia phong trào….
Thậm chí tôi còn cảm thấy mình làm nhiều việc hơn mấy đồng nghiệp khác nữa bởi vì chúng tôi là những người trẻ, trường luôn “ưu tiên” cho chúng tôi làm. Thế thì tại sao lại đối xử với chúng tôi thiếu công bằng như thế? Thú thật với các bạn, hiện giờ mỗi tháng tôi lãnh được 1.330.000 đồng. Với sự leo thang của vật giá thời gian gần đây thì số tiền này lo ăn trong suốt một tháng ròng muốn không đủ, làm sao dám nghĩ đến những nhu cầu khác.
Các bạn có biết không, đối với xã hội của chúng ta thì: Chất lượng, kết quả học tập của học sinh không tốt: Tại thầy; đạo đức học sinh xuống cấp, băng hoại: Tại thầy…
Ba mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn an ủi “ráng đi con ơi, dù gì mình cũng may mắn được làm một cái nghề cao quý, được mọi người trong xã hội trân trọng”. Những lúc như thế tôi chỉ biết im lặng. Có lẽ, nghề giáo viên của chúng tôi là một nghề cao quý! Nhưng, trong cái xã hội phát triển như vũ bão hiện giờ, liệu có bao nhiêu người chấp nhận đói khổ chỉ vì cái hư danh??? ”
Làm nghề giáo đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt qua khó khăn trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho thế hệ tương lai của đất nước. Nghề nào cũng vậy, nhất là nghề giáo cần phải trải qua thử thách mới trở thành một nhà giáo có bản lĩnh, có tâm, có đức và có tài.
Trong lời một bài hát có câu : “…Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay..”
Ý kiến về vấn đề nêu trên, một phụ huynh học sinh đưa ra ý kiến của mình :
“Qua đọc bài lá thư của thầy giáo tôi thấy thầy cũng nên nhìn lại mình. Là một thầy giáo trẻ mới ra trường chưa cống hiến cho xã hội được bao nhiêu mà thầy đã đòi hỏi những điều mà hàng chục vạn giáo viên của cả nước từ xưa tới nay vẫn cống hiến mà họ chưa một lần đòi hỏi.
Xã hội đã tôn trọng gọi những người làm công tác giáo dục làm thầy vậy tại sao một ngưới thầy lại đi tính toán so bì những điều đó phải chăng nếu vì đồng tiền thì hãy theo đưổi một nghề khác cho phù hợp.
Xã hội đã gọi chữ thầy thì ngoài dạy kiến thức thầy còn phải dạy làm người như vậy đó là một vinh dự lớn chứ phải không thầy”.
Xong vẫn có những giáo viên trẻ không ngại khó khăn gian khổ, tất cả vì học sinh thân yêu ở những vùng sâu vùng xa đang ngóng chờ, sẵn sàng đến công tác tại những vùng xa xôi hẻo lánh, cống hiến sức trẻ cho nền giáo dục nước nhà.
Anh Thanh Tâm viết về công việc của mình như sau :
“Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hai anh em trai, tôi là út, mẹ tôi là giáo viên mẫu giáo, bố tôi hồi còn trẻ cũng là giáo viên dạy văn. Có lẽ truyền thống gia đình phần nào đã củng cố, hình thành động cơ thúc đẩy tôi chọn nghề Sư phạm. Ra trường, tôi được phân công công tác về một trường THCS miền núi của tỉnh Quảng Ninh. Tôi rất vui mừng, phấn khởi và tự hào với cơ hội đạt được này của bản thân. Vì tuy không được công tác ở miền xuôi, vùng đô thị nhưng tôi còn may mắn hơn nhiều bạn tôi ra trường mấy năm rồi vẫn còn đang “đỏ mắt” chờ việc.
Lần đầu tiên xa nhà lập nghiệp, tôi mới thấy hết được khó khăn vất vả của nghề “gõ đầu trẻ”. Vì học sinh của tôi rất đặc biệt, đa số các em là người dân tộc Dao Thanh Phán, nói tiếng Kinh không sõi. Hàng ngày, tôi phải tranh thủ thời gian ngoài giờ lên lớp, đến từng thôn, bản gặp trưởng thôn, trưởng bản, làm quen, hoà mình vào cuộc sống và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây để thuyết phục, vận động con em họ đến trường.
Bên cạnh đó, tôi còn phải thường xuyên đối mặt với cơn bão giá của biến động thị trường để lo cho từng khẩu phần ăn mặc hàng ngày với đồng lương quá khiêm tốn của một giáo viên tập sự; đối mặt với những trang giáo giáo án, bài giảng hàng ngày, do sự khác biệt về ngôn ngữ giữa tôi với học sinh người dân tộc thiểu số; đối mặt với những mối quan hệ với đồng nghiệp không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”.
Trong khi đó, tôi còn như con chim mới “ra dàng” đang chập chững tập bay. Những kỹ năng sống như thế này tôi lại chưa được trang bị cho mình trong “túi càn khôn” trước khi vào đời. Bù lại, với sức trẻ và tấm bằng tốt nghiệp Cao Đẳng loại khá, lại được sự quan tâm động viên thường xuyên của ban giám hiệu nhà trường và tập thể giáo viên, dần dần tôi đã phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Tôi càng thêm yêu nghề, mến trẻ, lấy công việc làm niềm vui, tự bằng lòng với chính mình để củng cố niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn, đầy đủ, sung túc hơn.
Đó là những suy nghĩ giản dị, chân thành của tôi về nghề của tôi – “Nghề giáo viên là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “. Trích bài viết của Nguyễn Thanh Tâm tại Jobviet
Các thầy cô luôn cố gắng hết lòng nhằm giúp các em học sinh trở thành những con ngoan trò giỏi, thầy cô vui mừng khi các trò học tốt lễ phép. Nhưng cũng có đôi lúc trò cũng quên đi điều đơn giản nhất đó cũgn là người thầy đã dậy mình.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Quốc Vỹ khoa cơ khí chế tạo Trường cao đẳng nghề Quy Nhơn tâm sự :
“Tôi vui khi những học sinh, sinh viên cũ khi gặp lại còn cuối đầu chào, nhưng cũng rất buồn khi học trò cũ đi trên hành lang đối diện với thầy mà cứ ngước mắt nhìn lên mặt trăng, mặt trời. Tôi tự nhủ, cũng có lẽ các em không thích tôi, các em không thích phương pháp tôi dạy, không thích những lần “la mắng” các em trên lớp khi đi học vẽ mà không chịu mua cây bút chì, giấy vẽ hay cục gôm” .
Nghề giáo là một nghề vinh quang, xong người thầy cũng hết sức vất vả, nhọc nhằn thức khuya dậy sớm. Thầy cô cũgn có gia đình, cũng có bao lo toàn cho cuộc sống gia đình mình, nhưng các thầy cô vẫn biết vượt qua được khó khăn đó để đến với những học sinh thân yêu. Các cô, các thầy chỉ có một mình phải chủ nhiêm vài chục học sinh, bảo ban, theo dõi, kèm cặp ngần ấy con người là quá mệt mỏi.
Chị Hồng Hoa một giáo viên tiểu học nói : “Tôi là một giáo viên tiểu học ra trường và làm việc được 4 năm. Số năm công tác đó không phải là con số đáng nói nhưng tôi đã được tiếp xúc và va chạm thực tế với cả 2 môi trường làm việc ở trường dân lập và trường công lập.
Trong suốt 4 năm công tác đó, tôi vẫn thường xuyên đọc sách, báo và theo dõi các bài viết của bạn đọc trên VnExpress.net. Tôi đặc biệt chú ý những bài viết liên quan đến ngành nghề của tôi. Và càng đọc tôi càng thấy buồn (thậm chí là đôi lúc thấy thất vọng) cho mình, cho đồng nghiệp và cho cả cái nghề cao quý mà tôi đã từng mơ ước từ ngày tôi còn là học sinh cấp 1.
Các anh chị có biết rằng, một tiết học của chúng tôi không được kéo dài quá 40 phút. Mà trong 40 phút ấy, cô giáo vừa phải truyền thụ kiến thức mới, vừa hướng dẫn các con làm bài vào vở ô li. Mà các con cấp 1, đặc biệt là lớp 1, 2, 3 viết bài rất chậm. Giáo viên chúng tôi phải rèn từng tí một, từ cách viết tên đề bài lùi vào mấy ô cho đẹp, rồi hết bài phải kẻ ngắn, kẻ chân bài,…
Các anh chị không thể biết được là các con mình còn nhỏ quá, đến việc cầm chiếc thước kẻ để kẻ cho thẳng cũng còn lúng túng. Mà lớp thì không phải chỉ có 5 đến 10 cháu. Ở các trường công lập đông học sinh, một lớp có đến 50 cháu, mà chúng tôi phải cố gắng làm sao hướng dẫn cho được phần đông cả lớp. Các con lại viết chậm nên rất nhiều con làm không kịp đủ lượng bài, không hoàn thành ngay trong tiết học đó. Nên chúng tôi phải lấn sang tiết học khác.
Tôi hy vọng, sau bài viết này, các vị phụ huynh cũng nhìn nhận lại một chút. Và tôi nghĩ, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm nên có những sự trao đổi tâm tư nguyện vọng với nhau để hiểu nhau hơn, tránh việc đổ lỗi cho nhau: trách nhiệm thuộc về người này hay người kia.
Hai lực lượng nòng cốt trong cả quá trình giáo dục những mầm non của đất nước là phụ huynh và giáo viên. Nếu giữa hai lực lượng này luôn có sự trao đổi và hợp tác lẫn nhau, thay vì phê phán nhau, thì công cuộc “trồng người” của chúng ta mới hiệu quả và thành công được”.
Rất thông cảm cho nhưng vất vả đó một giáo viên đã nghỉ hưu nói :
“Tôi cũng là một giáo, vào nghề từ đầu những năm 60, dạy từ cấp 2 đến Đại học. Bây giờ nghỉ hưu, nhưng vẫn đang dạy kèm cho các cháu học sinh THCS. Lớp tôi dạy chỉ có dăm ba cháu, nhiều lắm là chục cháu. Cả đời làm giáo, tôi dám nói rằng mình chẳng thiếu gì kinh nghiệm giảng dạy và quản lý học sinh. Ấy vậy mà chỉ với dăm bảy học sinh nhưng đôi lúc tôi cũng cảm thấy bất lực vì các cháu thiếu tập trung học tập, không chịu làm theo hướng dẫn của thày, uốn nắn mãi cũng vẫn thế. Đấy là các cháu đã ở tuổi học sinh THCS.
Còn với các cháu Tiểu học thì khỏi phải nói. Tôi thực sự không hiểu nổi làm thế nào mà các cô giáo có thể dạy và quản lý được tới 40, thậm chí 50 học sinh lít nhít và non nớt đủ thứ.?”
Chị Kim Anh một phụ huynh học sinh có con học lớp một nói :
“Tôi rất hiểu là các thầy cô giáo ở trường đã vất vả như thế nào, tôi khâm phục và tôn trọng những thầy cô giáo hết mình vì nghề sư phạm. Nhưng vấn đề mà phụ huynh chúng tôi bức xúc, đó không phải là bản thân các thầy cô giáo không có trách nhiệm, mà là hệ thống giáo dục của chúng ta. Phụ huynh chúng tôi mong muốn con mình học giỏi, được điểm cao để đánh giá đúng khả năng và sự cố gắng của con về những kỹ năng và kiến thức phù hợp với lứa tuổi của nó. Vì vậy chỉ mong là khối lượng kỹ năng và kiến thức ấy phải được thiết kế phù hợp để các con có thể hấp thụ tốt, đồng thời vẫn có thời gian để phát triển kiến thức về xã hội, hội họa, âm nhạc, tham gia các hoạt động thể chất, chứ không phải cặm cụi tối ngày với khối lượng kiến thức, kỹ năng nặng quá mà mất cả ngày ở trường các con (cùng với sự nỗ lực hết mực của các thầy cô) vẫn không làm hết nổi phải mang về nhà làm tiếp “.
Trò muốn giỏi thì phải có thầy dậy dỗ, nhưng không phải tất cả đổ hết lên vai thầy, bố mẹ cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình học tập của con. Sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình sẽ giúp giảm gánh nặng dậy và học của thầy trò. Góp phần giảm tải những gánh nặng lo lắng học tập trên vai học trò.
Đông đảo các thầy cô giáo yêu nghề, luôn làm việc với tinh thần :” Tất cả vì học sinh than yêu” không quản ngại mọi khó khăn gian khổ cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Xong không tránh khỏi có những trường hợp các biệt, có một số thầy cô giáo đánh mất cái danh hiệu mà phụ huynh dành tặng cho “cô giáo như mẹ hiền”, đây đó vẫn còn bạo hành trong học đường. Tuy không phải là tất cả nhưng “con sâu đã làm giầu nồi canh”, thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc cô giáo cho phép một cháu lấy thước kẻ vụt vào tay bạn nào viết chậm, hay tát vào miệng cháu nào nói chuyện, rồi giáo viên mầm non dùng băng keo dán mồm trẻ……
Ngay chính những giáo viên cùng trong ngành cũng không thể tưởng tưởng nổi những đông nghiệp của mình lại hành động như vậy với những đứa trẻ, mà chúng cũng như con họ ở nhà, hỏi thử khi con họ bị gười khác làm như vậy có cảm thấy đau lòng không !
Chị Hoàng Như Yến là một giáo viên ở Bình Định nói : Tôi cũng là một giáo viên mầm non, tôi rất hiểu và thông cảm với các cô giáo mầm non về nỗi vất vả và nghề nghiệp. Nhưng thật đáng tiếc… không có một lý do gì để bào chữa cho một hành vi đối với trẻ như thế. Mong rằng sau sự việc này, tôi cũng như các cô làm trong ngành nên nhìn lại thái độ cư xử của mình đối với trẻ để đem lại niềm tin cho các ông bà bố mẹ yên tâm gửi con đến trường”. – Trích thư của chị Yến gửi Vietnamnet.
“Trẻ em như búp trên cành” một thế hệ tương lai của đất nước, chỉ một lời nói hay hành động tốt có thể giúp trẻ phát triển tốt về thể chất cũng như trí tuệ, nhưng với một lời nói hay hành động tiêu cực của thầy cô cũng làm cho trẻ bị tổn thương về thể xác cũng như tâm lý của trẻ, nỗi ám ảnh trong cả một thời gian dài về hình ảnh không tốt về người thầy. Tuy chỉ là “con sâu làm giầu nồi canh” nhưng những vụ bạo hành học sinh xảy ra trong thời gian qua liên tục, ngay những nhà giáo có lương tâm cũng phải day dứt trước những hiện tượng này. Những giáo viên để xảy ra những sự việc này cần xem lại bản thân mình, trau dồi lại đạo đức và phẩm chất của người giáo viên, hãy đánh thức lương tâm của một nhà giáo vốn có trong mình đã bị đánh mất. Lấy lại hình ảnh tốt đẹp và cao quý của nghề giáo, lấy lại niềm tin yêu và kính trọng của cả xã hội. Hãy vì “Vì tường lai con em chúng ta”.
Lê Gia Phong