Hàng năm cứ đến tháng 11 chúng tôi những người làm nghề "Gieo hạt" lại cùng nhau luận bàn về Giáo dục. Nói đến giáo dục là nói đến con người trí tuệ và tài năng, đức độ và nhân ái. Nói tới vị trí xã hội và vai trò của người thầy giáo Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời Người đã nói “ Nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang “ vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, nếu không có thầy giáo dạy dỗ con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng được Chủ nghĩa xã hội. Người thầy giáo cũng như người lái đồ chở khách qua sông, không có người lái đò chở khách qua sông thì làm sao khách bộ hành lại qua được dòng sông để vượt lên muôn trượng. Không có thầy giáo thì không có con thuyền tri thức, không có nhà trường, không có nền văn minh nhân loại.
Người thầy giáo không những dạy chữ mà còn dạy đạo lý làm người đó là đào luyện tâm hồn, đào tạo lớp lớp thế hệ trẻ, lớp sau kế tiếp lớp trước bước vào đời để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc và xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội.
Nói về giáo dục TOGO Nhà hiền triết và thi hào vĩ đại của Ấn Độ đã viết :
“ Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy giáo thì được một thế hệ “. Câu nói này luôn đúng với mọi dân tộc, mọi thời đại, với Việt Nam nơi xứ sở của truyền thống tôn sư trọng đạo, quý mến thầy giáo thì điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn vì nó đã được đi vào thơ ca, ca dao, đi vào lời ru của các Bà các Mẹ : “ À ơi…! Qua sông thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy! “.
Ca ngợi về nghề dạy học CoMenXKi viết “ Dưới ánh nắng mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học “. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói : “ Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Người thầy giáo vinh dự đã lớn nhưng trọng trách lại càng nặng nề, tính chuẩn mực, mô phạm đòi hỏi càng cao, người thầy giáo phải là “ Khuôn vàng thước ngọc “, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Người thầy giáo là bác sỹ tâm hồn có tấm lòng nhân ái cứu chữa những con người tha hóa, biến chất thành những con người có tâm hồn trong sáng hơn. Người thầy giáo phải luôn gia sức thi đua công tác và học tập. Bởi người thầy giáo muốn dạy cho học sinh 1 thì người thầy phải học 10. Thầy giáo phải xứng đáng là thầy giáo, thật thà yêu nghề mình, có đạo đức cách mạng, có chí khí cao thượng, khó khăn chịu trước, sung sướng hưởng sau, yên tâm công tác. Người thầy giáo mục tiêu phấn đấu suốt đời là cái Đức, cái Tài, cái Tâm, cái Tầm và chữ Nhân. Tất cả vì học sinh thân yêu.
Người thầy giáo trong xã hội Việt Nam từ bao đời nay vẫn là biểu tượng cao quý tượng trưng cho trí tuệ, tài năng của xã hội. bao đời nay dân ta vẫn nói : “Không thầy đố mày làm nên”. Dẫu rằng người thầy không phải là tất cả nhưng đội ngũ các thầy giáo, cô giáo có vai trò quyết định trong sự nghiệp “ Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" . Học tập là của cải nội sinh bởi “ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", có tri thức, có khoa học, có đạo đức mới có đủ khả năng để xây dựng một nền CNH – HĐH đất nước. Không ai có thể tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, những yêu cầu về giáo dục ngày càng cao nên người thầy giáo phải tiếp tục học tập để tiến bộ cùng nhân loại “ Học để biết - Học để làm - Học để chung sống với người khác – Học để tự khẳng định mình “. “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo ".
Nghề thầy giáo là Nghề vẻ vang nhất dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo, cô giáo tốt là những Anh hùng vô danh. Được coi trọng như vậy người thầy giáo phải đáp ứng được yêu cầu cao của xã hội về nhân cách. Người thầy phải là tấm gương mẫu mực để mọi người nhất là học trò noi theo. Sự gương mẫu của người thầy không phải chỉ giới hạn ở trong phạm vi trường học mà còn ở mọi lúc mọi nơi trong gia đình và ngoài xã hội.
Chúc những ai đã làm nghề và sẽ làm nghề luôn hạnh phúc với nghề mình đã chọn!
(thanhxtbk Sưu tầm)